Giai đoạn trước năm 1975 Nhạc_vàng

Ở phía Nam vĩ tuyến 17

Tại miền Nam, nhạc vàng phát triển thành nhiều phong cách, từ nhạc tình tự quê hương với biến thể từ dân ca Nam Bộ, nhạc lính, bolero kể chuyện, "kích động nhạc",... Bài hát điệu Rumba đầu tiên là Trăng sơn cước của Văn Phụng và Văn Khôi viết năm 1949, còn bài hát điệu bolero đầu tiên là Nắng chiều của Lê Trọng Nguyễn năm 1952.

Nhiều sáng tác của các nhạc sĩ nổi tiếng được xem là có đóng góp cho Tân nhạc Việt Nam nhiều ca khúc có giá trị như Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Phạm Đình Chương, Cung Tiến,... thời kỳ này cũng được xem là nhạc vàng, căn cứ cụ thể vào từng bài hát của họ. So với thời kỳ thập niên 1950 về trước, sáng tác của Phạm Duy có những chuyển biến rất đa dạng, nhiều đề tài, thái độ từ tâm linh, tôn giáo, xã hội và một số mang màu sắc thị trường như dòng nhạc trẻ, nhạc vỉa hè. Trịnh Công Sơn thì ảnh hưởng nhiều bởi chủ nghĩa hiện sinh, thái độ lạc lõng bơ vơ, "nổi loạn tinh thần" và mang màu sắc vô thần (tư tưởng này có một số nét trùng lặp giống chủ nghĩa cộng sản về lý thuyết).

Những hãng phát hành băng và đĩa nhạc cũng cho ra nhiều sản phẩm với danh hiệu "nhạc vàng" như hãng Hương Giang, hãng Dạ Lan của nhạc sĩ Anh Bằng, và hãng Shotguns[4] của Ngọc Chánh. Nhạc vàng sau đó được hiểu là thể loại nhạc tình êm dịu có tình yêu quê hương, tình yêu lứa đôi hoặc có nỗi lòng riêng tư của lính Quân lực Việt Nam Cộng hòa.

Ở phía Bắc vĩ tuyến 17

Phong trào bài trừ "nhạc màu vàng" ở Trung Quốc thời Mao Trạch Đông lan sang miền Bắc Việt Nam. Nhà nước chống nhạc "ủy mị" vì thiếu tinh thần đấu tranh cách mạng.[5] Cả nhạc vàng lẫn dòng nhạc tiền chiến thịnh hành trước năm 1954 cũng không được hát. Đối lập với nhạc vàng bị cấm đoán là nhạc đỏ, tức dòng nhạc nêu cao tinh thần cách mạng, mục tiêu đấu tranh giai cấp và cổ vũ những người Cộng sản chiến đấu.